Con ruốc sông Hải Dương  – món ăn dân dã mà độc đáo, mang đậm hương vị quê hương, là niềm tự hào của người dân đất Hải. Món ăn này không chỉ đơn thuần là thức ăn mà còn là một nét văn hóa, một phần ký ức gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Hãy cùng Top Hải Dương AZ khám phá món ăn độc đáo này qua bài viết dưới đây nhé!

Con ruốc sông Hải Dương – ẩm thực của tuổi thơ

Tháng chín âm lịch, những cơn gió heo may se lạnh, nắng hanh vàng, dòng sông nước chảy êm đềm mải miết về phía biển. Đông đã về cũng là mùa rươi, mùa ruốc theo con nước “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”.

Hình ảnh về món ăn độc đáo con ruốc sông Hải Dương đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân nơi đây. Con ruốc sống ở trong bùn đất vùng bãi triều, đến mùa sinh sản những con ruốc bé nhỏ như hạt cám gạo lại bơi lên mặt nước muốn bắt được nó phải có dụng cụ đặc biệt và không phải ai cũng bắt được. 

Bắt ruốc phải dùng săm vải, một loại dụng cụ bằng vải thô có độ thoáng nhất định. Săm vải có hình như chiếc phễu miệng rộng khoảng năm sáu mét, đuôi săm dài khoảng chục mét, cuối đuôi có một cửa để lấy ruốc (cửa này phải buộc dây thật chặt khi thả săm). Người vớt ruốc, theo kinh nghiệm chỉ nhìn dòng nước là biết vệt trôi của ruốc, ruốc chỉ trôi theo một dòng, chứ không trôi cả mặt sông.

Con ruốc sông Hải Dương - ẩm thực của tuổi thơ
Con ruốc sông Hải Dương – ẩm thực của tuổi thơ

Khi đã tìm được dòng, người ta đóng một hàng cọc ngang dòng rồi buộc săm vải vào, chỉ buộc một nửa miệng săm chìm dưới nước (gọi là đóng săm). Con ruốc trôi theo dòng nước vào săm, dồn xuống đáy. Cứ khoảng vài giờ, lại bơi thuyền ra nhấc đáy săm, cởi dây đáy đổ ruốc ra thúng. Con nước nhiều ruốc, một lần đổ được mấy chục cân ruốc. Những người làm nghề đóng săm họ đều là dân (thuyền chài) có kinh nghiệm mới làm được.

Ruốc sông có màu nâu đỏ, khi nấu chín có màu đỏ au rất bắt mắt. Ruốc sông rất giàu chất đạm, chế biến được nhiều món ngon, như rang khô với riềng, rau răm, tóp mỡ hoặc rang khô với gừng, khế chua, rau răm ăn với dưa cải bắp; nấu riêu với khế, lá gừng tươi ăn với rau diếp thái nhỏ…

Cách chế biến con ruốc sông Hải Dương thành món ăn ngon

Con ruốc sông Hải Dương thường được rang khô hoặc sốt cà chua ăn kèm rau sống. Mỗi cách chế biến đều mang đến những hương vị riêng biệt.

Chế biến món ruốc rang khô

Nguyên liệu cũng khá đơn giản gồm ruốc, riềng, gừng, muối. Con ruốc là loài sinh vật nhỏ bé như hạt cát nên muốn rửa sạch, dùng khăn xô hoặc mảnh vải mỏng để không bị lọt rồi cho vào thau nước sạch khuấy đều để loại bỏ bẩn. Khi thấy ruốc mịn như cát và nước trong thì dừng lại. Để ruốc ráo nước. 

Sau đó, bắc chảo ruốc lên bếp, cho muối, đun nhỏ lửa và đảo đều tay, tiếp đến là cho gừng, riềng để dậy mùi thơm. Để con ruốc khô và tơi thì cần đun nhỏ lửa để không bị cháy và thường đun ít nhất 30 phút cho đến một tiếng đồng hồ. Khi ruốc chuyển màu nâu đỏ bắt mắt, khô tơi kèm theo mùi thơm của gừng, riềng là được. Ruốc rang càng khô thì càng bảo quản được lâu, thường để từ 1 đến 1,5 tháng.

Con ruốc là loài sinh vật nhỏ bé như hạt cát nên muốn rửa sạch và chế biến cẩn thận
Con ruốc là loài sinh vật nhỏ bé như hạt cát nên muốn rửa sạch và chế biến cẩn thận

Món con ruốc sông Hải Dương rang khô gắn bó với người dân nơi đây từ những ngày thơ bé đầy gian khó. Vị béo, mùi thơm của ruốc, của riềng ăn với cơm nóng trong những ngày mùa đông rét buốt là dư vị khiến mọi người nhớ mãi đến tận bây giờ.

Món ruốc sốt cà chua

Một món ăn khác cũng đưa cơm không kém là con ruốc sông Hải Dương sốt cà chua. Nguyên liệu của món ăn này gồm ruốc, cà chua, me hoặc khế chua, ớt, gừng, hành tươi, rau răm và không thể thiếu mỡ lợn. Sau khi bắc chảo lên bếp, cho mỡ lợn rồi cà chua vào, khi cà chua chín thì dằm nhuyễn rồi cho ruốc vào đảo đều.

Khi thấy màu nâu đỏ của ruốc bắt đầu xuất hiện thì hạ nhỏ lửa, nêm gia vị muối vừa ăn, sau đó cho gừng, ớt, rau răm, hành lá. Múc ra bát ăn nóng kèm theo rau sống như rau diếp, xà lách và rau mùi. Món này có vị béo ngậy của ruốc, chua nhẹ và có vị cay của ớt, gừng, mùi thơm của rau gia vị, ăn rất đưa cơm.

Cách chế biến con ruốc sông Hải Dương thành món ăn ngon
Cách chế biến con ruốc sông Hải Dương thành món ăn ngon

Cách phân biệt con ruốc sông Hải Dương và con ruốc biển

Điểm chung giữa hai loại ruốc 

Con ruốc hay còn được gọi là con tép moi, tép biển, moi,…Nó là loại động vật giáp xác mười chân sống ở vùng nước lợ, nước mặn, nước ngọt. Con ruốc có hình dạng giống như một con tôm nhỏ, kích thước khoảng chỉ 10 – 40mm. Con ruốc sông Hải Dương và ruốc biển đều là những loại tép nhỏ, có giá trị dinh dưỡng cao và được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Việt Nam.

Tuy có một số điểm khác biệt về môi trường sống, cách đánh bắt và giá thành, nhưng hai loại ruốc này đều có những điểm chung về phân loại, kích thước, hình dạng, màu sắc, giá trị dinh dưỡng và cách chế biến.

Điểm khác nhau giữa con ruốc biển và con ruốc sông Hải Dương

Con ruốc biển

Con ruốc biển thường tìm thấy ở khu vực biển nước mặn. Thông thường con ruốc biển có kích thước lớn hơn ruốc sông. Nếu như ruốc biển có kích thước lớn vài chục mm, thì con ruốc sông thường khá dưới 10mm.  Ruốc biển có hình dáng mảnh mai, uốn cong để di chuyển trong nước. Về màu sắc, ruốc biển có thể thay đổi với màu xanh dương, nâu nhạt hoặc tông màu tương tự. Ruốc biển có nhiều vào mùa Đông, trước hoặc sau tết.

Con ruốc biển thường tìm thấy ở khu vực biển nước mặn
Con ruốc biển thường tìm thấy ở khu vực biển nước mặn

Con ruốc sông Hải Dương

Con ruốc sông thường sinh sống chủ yếu ở những vùng nước ngọt. Như đã nói ở trên nó sẽ có kích thước nhỏ hơn so với ruốc biển. Về hình dáng, ruốc sông tương tự như ruốc biển nhưng trông mảnh nhỏ hơn. Màu ruốc sông thường là vàng, nâu đỏ, nâu sậm, nâu hồng hoặc xám. Màu này có thể giúp chúng hoà trộn với môi trường sống nước ngọt, tránh được kẻ thù. Ruốc sông thường có theo mùa, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng Giêng.

Con ruốc sông Hải Dương
Con ruốc sông Hải Dương

Con ruốc sông Hải Dương – món ăn dân dã mà tinh tế, mang đậm hương vị quê hương, đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây và là món quà ý nghĩa dành cho du khách khi đến với Hải Dương. Mỗi khi thưởng thức món ăn này, ta lại cảm nhận được sự tinh túy của đất trời và bàn tay khéo léo của người dân Hải Dương. Ruốc sông không chỉ đơn thuần là thức ăn mà còn là một phần văn hóa, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *